Tại sao bạn liên tục bỏ học online giữa chừng?
Bạn có bao giờ thống kê xem bao nhiêu lần mình đã bỏ ra bao nhiêu tiền để mua khoá học rồi bỏ dở, sau đó mua khoá mới.
Lúc mua khoá học, bạn rất hào hứng, bạn tin chắc rằng mình sẽ hoàn thành khoá học này và kiến thức của mình sẽ tăng vèo vèo.
Nhưng sau khoảng 1/3 khoá học, mức độ hào hứng của bạn giảm dần, và bạn bỏ cuộc khi chỉ mới hoàn thành nửa khoá học.
Sau một thời gian, bạn lại xuống tiền mua những khoá học tương tự.
Nếu bạn đang gặp tình trạng đó thì chúc mừng bạn, bạn không cô đơn đâu
theo bài báo này có nói rằng, chỉ có khoảng 7% người học hoàn thành các khoá học online.
Vậy thì lý do vì sao khiến nhiều người bỏ cuộc giữa chừng khi học online như vậy?
Lý do sẽ đến từ 2 phía, đó là từ người bán và từ người mua là chính bạn.
Đầu tiên, từ người bán.
Khi đã kinh doanh bất cứ thứ gì, mục tiêu của người bán là bán được càng nhiều hàng càng tốt. Do đó, khi họ thiết kế khoá học hoặc nền tảng học online, họ cũng sẽ đặt mục tiêu đó lên hàng đầu.
Có bao nhiêu lần bạn nhìn thấy bảng quảng cáo kiểu như vậy (chèn bảng quảng cáo giảm giá)
Nếu bạn để ý, họ liên tục có những đợt giảm giá sâu hoặc bạn sẽ được học miễn phí nếu bạn tham gia học ngay hôm nay.
Đó là chiến dịch marketing của họ nhằm thúc đẩy khách hàng mua càng nhiều càng tốt. Và với tâm lý ham rẻ, bạn sẽ liên tục lấp đầy giỏ hàng với suy nghĩ rằng giờ không cần nhưng vài bữa nữa bạn sẽ cần. Điều này cũng xảy ra tương tự như khi bạn lướt tiktok hoặc shoppee, bạn thường xuống tiền mua những món hàng rất vớ vẩn.
Một cách khác, người ta sẽ thúc đẩy quá trình mua sắm của bạn bằng cách trả tiền theo tháng, dạng membership, với chi phí cực kỳ rẻ. Ví dụ, mỗi năm bạn chỉ cần bỏ ra 2 đô là có thể truy cập tất cả các khoá học. nghe thì có vẻ rất lời, nhưng thực tế bạn không học nhiều như bạn nghĩ, có thể thời gian đầu bạn sẽ học rất nhiều, nhưng chỉ sau 1-2 tuần, số lượng khoá học bạn tham gia sẽ càng giảm xuống.
Bởi vì, lúc đó bạn có suy nghĩ rằng nếu bạn không học bây giờ thì học lúc khác, đàng nào thì nó chả ở đó, và đàng nào bạn cũng đã trả tiền cho 1 năm sử dụng.
Thêm nữa, khi người ta cung cấp cho bạn vô số khoá học như vậy sẽ tạo ra nghịch lý càng nhiều sự lựa chọn, bạn càng không biết nên chọn khoá nào. Vì bạn không biết khoá nào chất lượng nên bạn liên tục nhảy từ khoá này sang khoá khác.
Ngoài ra, có một nguyên nhân nữa cũng cần phải bàn đến đó là chất lượng khoá học: không phải khoá học nào cũng đi kèm với chất lượng, có thể là do khả năng truyền tải của người dạy, cách họ thiết kế khoá học, nội dung khoá học.... khiến bạn nhanh chán và bỏ cuộc giữa chừng.
Đó là lý do đến từ người bán
Còn nguyên nhân đến từ người mua thì sao?
Vì sao bạn liên tục bỏ dở việc học và liên tục xuống tiền mua những khoá học khác?
Thứ nhất: Bạn mua khoá học đó bởi vì bạn fomo (hiệu ứng sợ bị bỏ lỡ), bạn sợ rằng nếu mình không mua khoá học này bạn sẽ tụt lại so với người khác, bởi vì bên trong bạn vẫn luôn khao khát sự giàu có, thịnh vượng và phát triển bản thân.
Khi thấy những người xung quanh bạn cũng đang nháo nhào bàn luận về khoá học đấy, bạn cũng sẽ đứng ngồi không yên và xuống tiền mua ngay lập tức.
Việc xuống tiền mua khoá học sẽ giúp bạn tạo ra cảm giác an tâm, giống như khi bạn mua thẻ tập gym, mua để chứng minh cho bản thân thấy rằng mình có quan tâm sức khoẻ nhưng mọi sự lại dừng ở việc mua.
Nguyên nhân thứ 2:
Khi mua khoá học, bạn mong đợi rằng vấn đề của bạn sẽ nhanh chóng được giải quyết, nhưng thực tế, bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề của bạn, điều này có thể làm mất đi sự kiên nhẫn của bạn.
Khi đó, bạn bắt đầu có suy nghĩ người bán lùa gà và bạn bắt đầu chê khoá học của người đó không chất lượng
Nhưng liệu điều đó có đúng không, có thực sự tất cả những người bán khoá học đó đều lùa gà và có thực sự những khoá học đó kém chất lượng?
Để trả lời cho câu hỏi đó, bạn cần phải quay lại đặt câu hỏi cho chính bạn:
Bạn mua khoá học bởi vì bạn thực sự cần nó hay bạn mua bởi vì bạn fomo?
Khi học những khoá đó, bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho việc thực hành? Liệu bạn đã học đúng cách hay chưa? Quy trình tự học của bạn liệu có ổn không, có cần thay đổi chỗ nào hay không?
Việc bạn liên tục bỏ cuộc khi học hoặc cho dù học xong rồi nhưng vẫn không đạt được kết quả gì là bởi vì việc tự học của chúng ta đang có vấn đề và chúng ta cần phải nghiêm túc chỉnh sửa nó.
Dưới đây là 3 cách tránh mất tiền khi mua khoá học
Xác định mục tiêu, xây dựng dự án
Mình đã đề cập đến việc xây dựng dự án vài lần ở kênh của mình rồi, bởi vì đối với mình, việc bạn có một dự án cá nhân cực kỳ quan trọng.
Đó sẽ là nơi giúp bạn lưu trữ, ghi chép lại tất cả những gì bạn thực hiện, là nơi giúp bạn có một bức tranh toàn diện hơn cho vấn đề của bạn.
Bạn sẽ vạch ra được những gạch đầu dòng, từ những gạch đầu dòng đó, bạn cũng sẽ bắt đầu tạo ra những ý tưởng để làm rõ suy nghĩ của bạn.
Trong dự án cũng sẽ có những cột mốc để bạn có cơ hội nhìn nhận lại hành trình của mình và biết được rằng, mình cũng đã làm được cái gì đó cũng rất gì và này nọ.
Dự án sẽ là nơi ghi lại những kinh nghiệm của bạn, và bạn cũng sẽ bắt đầu học được từ những kinh nghiệm đó.
Quan trọng hơn hết, khi bạn thành lập dự án cá nhân, bạn sẽ biết được mình đang thiếu kỹ năng gì và bạn cũng sẽ trả lời được câu hỏi vì sao bạn xuống tiền mua khoá học đó.
Dĩ nhiên, khi đó bạn cũng sẽ chọn lựa kỹ càng hơn, đúng trọng tâm hơn và bớt phí tiền cho những khoá học không đúng mục đích.
Khi gặp những lời quảng cáo, hãy xem lại mục tiêu của mình là gì, khoá học đó có giúp ích gì cho mình hay không, nếu có thì mua không thfi thôi.
Trước đây, mình là người bỏ ra rất nhiều tiền để mua khoá học vì bị dụ dỗ bởi lời quảng cáo quá ấn tượng chứ không phải mua vì cần nên đã không ít lần mình mua rồi bỏ.
Nhưng sau này, khi mình bắt đầu thực hành dự án cá nhân, mình đã bớt được vài lần xuống tiền ngu, và các khoá học gần đây của mình mua đã trả lời được câu hỏi mà mình đặt ra. Nói chung rất đáng tiền.
Bắt đầu từ những nền tảng cơ bản
Khi mua khoá học, hoặc khi bạn bắt đầu dự án cá nhân, hãy đi từ những điều cơ bản, tìm từ những khoá dành cho beginner, bởi vì tất cả mọi thứ đều bắt đầu từ những thứ cơ bản nhất.
Để có thể xây nên được một ngôi nhà, bạn cần phải bắt đầu từ việc đào móng, nhà có kiên cố hay không phụ thuộc vào điều này rất nhiều. Nếu nền móng của bạn xây qua loa cho có, ngôi nhà của bạn rất dễ bị sập.
“Để suy nghĩ rõ ràng, bạn cần hiểu những điều cơ bản. Nếu bạn đang ghi nhớ các khái niệm nâng cao mà không thể rút ra bài học từ chúng khi cần thiết thì bạn sẽ lạc lối.” Naval
Việc bạn bỏ cuộc giữa chừng khi bạn học cũng có thể bởi vì bạn không bắt đầu đi từ những điều cơ bản nhất, bạn không hiểu nguồn gốc của vấn đề. Khi bạn không hiểu nguồn gốc của vấn đề, bạn sẽ không thể nào áp dụng được trong từng trường hợp cụ thể.
Giống như ngày xưa chúng ta học toán cũng vậy, vì chúng ta không hiểu ý nghĩa của tích phân nên chúng ta học giống như một cái máy, học cho có, học cho qua môn, chắc nhiều bạn đến giờ cũng không hiểu vì sao chúng ta phải học tích phân. Nếu bạn hiểu ý nghĩa của tích phân, chắc chắn bạn sẽ ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống của bạn.
Hãy đảm bảo bạn nắm vững những kiến thức cơ bản trước khi đi lên những kiến thức cao hơn.
Do đó, trong khoá monetize your problem của mình cũng sẽ đi từ những kiến thức cơ bản, nhưng nó sẽ là nền tảng giúp cho bạn xây dựng sự nghiệp kinh doanh sau này, nếu bạn có hứng thú thì xem thêm ở phần mô tả.
Thực hành
trong mỗi khoá học, chắc chắn bạn sẽ học được rất nhiều lý thuyết, nhưng lý thuyết sẽ không có ý nghĩa thực tiễn nếu bạn không dành thời gian để thực hành. Nếu bạn tham gia khoá học chỉ nhằm mục đích lấy chứng chỉ thì mình không nói, nhưng nếu bạn muốn nâng cao kỹ năng, bắt buộc bạn phải rèn luyện.
Thực hành rất quan trọng, thực hành sẽ giúp bạn nhìn ra được điểm yếu, điểm mạnh của bản thân và giúp bạn thành thạo những kỹ năng bạn đã học được.
thực hành những gì bạn đã học và dạy lại cho người khác.
Đây là lúc bạn củng cố lại kiến thức và kiểm tra xem thử phương pháp của họ có thực sự phù hợp với bạn hay không.
Bởi vì, những khoá học của họ được xây dựng dựa trên trải nghiệm, kinh nghiệm của họ, những framework đó có thể phù hợp với họ nhưng chưa chắc phù hợp với bạn.
Khi bạn mua khoá học của họ đừng quá mong đợi là nếu bạn áp dụng 100% những gì họ nói thì chắc chắn thành công mà hãy linh động dựa vào kiến thức họ dạy, kết hợp với hoàn cảnh sống của bạn, phong cách của bạn để tạo nên framework của riêng bạn.
Sau đó chia sẻ những kinh nghiệm của bạn cho những người khác bằng cách viết lên các trang mạng xã hội. Đó vừa là cách bạn xây dựng thương hiệu cá nhân, và thu hút khách hàng đến với bạn.
Bởi vì khi bạn bắt đầu chia sẻ một điều gì đó, đây là lúc bạn sẽ xem lại một lần nữa những điều bạn đã học dưới góc nhìn của bạn và bạn sẽ hiểu rõ vấn đề hơn. Và người ta cũng sẽ bị thu hút bởi những điều bạn chia sẻ.
Lý Tiểu Long có một câu nói vô cùng nổi tiếng: Tôi không sợ người luyện tập 10.000 cú đá chỉ một lần mà chỉ sợ người thực hành một cú đá 10.000 lần"
trước khi đổ tiền mua khoá học khác, hãy đảm bảo đã rất thành thạo cú đá này.
Đối với những với khoá học kém chất lượng, đừng nghĩ rằng bạn không học được gì từ họ, bạn vẫn học được một vài điều gì đó. Nếu khoá học của họ không hay, hãy đặt câu hỏi: không hay chỗ nào, nội dung hay cách thiết kế, cách dạy... Nếu là bạn, bạn sẽ chỉnh sửa khoá đó như thế nào để cho nó hoàn chỉnh hơn. Bởi vì biết đâu, trong tương lai bạn cũng sẽ là người xây dựng khoá học thì sao?